Bạc mạng hay Bạt mạng là cách dùng từ đúng chính tả Tiếng Việt?

Bạc mạng và Bạt mạng nghe có vẻ đều đúng, song trên thực tế chỉ có từ Bạt mạng mới là từ ghép chính xác và được định nghĩa trong từ điển Tiếng Việt.

Mặc dù vậy, để học tập hiệu quả, để giao tiếp lịch sự và chuẩn mực thì chúng ta cần phải phân biệt rõ ràng và dùng trong giao tiếp, văn bản sao cho đúng chính tả.

Hôm nay chúng ta cùng nhau phân tích sự khác nhau giữa Bạc mạng và bạt mạng, cái nào đúng cái nào sai, để cùng nhau rút ra kinh nghiệm khi sử dụng từ ngữ trong tiếng việt cho chính xác nhé.

Bạt mạng hay Bạc mạng
Bạt mạng hay Bạc mạng

Bạc mạng hay bạt mạng là đúng chính tả?

Đáp án đúng là: Bạt mạng

Bạt mạng là gì?

Bạt mạng là tính từ có chỉ hành động liều lĩnh, thiếu suy nghĩ. Nó là từ ghép có ý nghĩa hoàn chỉnh được ghi trong từ điển Tiếng Việt.

Ý nghĩa của từ ghép này được hình thành dựa trên sự bổ trợ của 2 từ đơn:

  • Bạt (tính từ) → nghĩa là bừa bãi, liều lĩnh
  • Mạng → là sự sống của con người

Ví dụ:

  • “Thanh niên thường phóng xe bạt mạng, bất chấp nguy hiểm.” → Câu này ý nghĩa nói các bạn thanh niên chạy xe rất ẩu không sợ nguy hiểm tính mạng.
  • “Tuổi trẻ ăn chơi bạt mạng nên khi tuổi già thường sẽ hối hận.” → Câu này ý nghĩa là các bạn trẻ thường sống thoải mái nên về già thường tiếc nuối.

Bạc mạng là gì?

Bạc mạng là cách dùng SAI và không được ghi chép trong từ điển Tiếng Việt.

Trong văn nói không có sự khác biệt giữa Bạt mạng và Bạc mạng nhưng nếu phân tích từng chữ thì nó như thế này:

  • Bạc  → theo nghĩa tính từ là phai màu, không giữ được tình nghĩa, thể hiện sự vô ơn.
  • Mạng → là sự sống của con người

Cho nên, nếu có thể ghép với nhau,có nghĩa là sự phai màu hay vô ơn với sự sống con người nghe rất vô nghĩa. Như vậy từ Bạc mạng khi phân tích ý nghĩa và ghép lại thì là 1 từ ghép không đúng nghĩa khi sử dụng trong văn viết.

Nếu muốn sử dụng đặt câu chúng ta chỉ có thể tách ra từng chữ hoặc ghép với từ khác ví dụ như từ “Bạc mệnh”. Đây là một từ cũ thường dùng trong thơ văn ý chỉ thân phận người phụ nữ thường không được may mắn, thân phận hẩm hiu.

Ví dụ:

  • “Thân phận người phụ nữ phong kiến thường bạc mệnh và không được coi trọng.” → Ý chỉ thời xưa hay có suy nghĩ trọng nam khinh nữ và người phụ nữ thường hay bị coi thường.
  • “Người phụ nữ đẹp thời xưa hay được nghe câu “hồng nhan bạc phận”. → Ý nghĩa cũng tương tự như hồng nhan bạc mệnh ý chỉ người phụ nữ đẹp thường không may mắn.

Xem thêm:

Nguyên nhân khiến nhiều người hay bị nhầm lẫn cách dùng của những từ này?

– Thứ nhất là do cách phát âm giữa âm cuối “T” và “C” không có sự khác biệt khi đọc. Chính vì  khi đọc thì âm giống nhau, nhưng khi viết ra thì khác và không giống ý nghĩa. Nên lâu ngày mọi người cứ đọc như một thói quen và sẽ quên mất là khi nào dùng từ Bạc và Bạt.

– Nguyên nhân thứ hai đó có thể do từ Bạt mạng và Bạc mạng cũng không phải là từ thông dụng hàng ngày. Nhất là trong văn viết trên sách báo cũng ít dùng nên chúng ta thường nghĩ đó là một từ.

– Cuối cùng là vì từ chúng ta hay nghĩ rằng Bạc mệnh hay Bạc mạng cũng gần giống nhau nên tưởng rằng Bạc mạng là một từ đúng nhưng thực ra Bạc mệnh hoặc Bạt mạng mới là cách dùng đúng.

Một số ví dụ trong giao tiếp có thể khiến bạn nhầm giữa Bạc mạng và Bạt mạng

Sau đây là 1 số từ ghép ví dụ trong giao tiếp hàng ngày để bạn có thể dễ phân biệt hơn và một số từ được ghép với từ “Bạt” và “Bạc”

– Từ ghép và ví dụ với từ “Bạt” là: bạt mạng, bạt ngàn, bạt tai, tấm vải bạt che nắng…

  • Ví dụ: “Nơi đây nổi tiếng với những cánh đồng lúa bạt ngàn.” → Ý nói nơi đây có những cánh đồng lúa rất rộng lớn.

– Từ ghép và ví dụ với từ “Bạc” là: bội bạc, bạc bẽo, bạc tình, bạc màu, tiền bạc…

  • Ví dụ:Anh ta là một con người bạc tình và chỉ sống vì tiền bạc.” → Ý nói anh ta là quan trọng tiền bạc hơn là tình cảm con người.

Kết luận

Phân biệt giữa Bạt mạng (từ đúng) với Bạc mạng (từ sai) khá đơn giản đối với hầu hết chúng ta, nhất là khi bạn đã rõ nghĩa của từng chữ đơn ở trong từ ghép.

Cũng thông qua việc phân tích từ ngữ riêng rẽ để hiểu rõ nghĩa của từ hơn, mình tin rằng bạn sẽ vận dụng linh hoạt hơn từ “Bạt” và “Bạc” trong văn viết để giúp cho ngữ nghĩa của câu văn thêm uyển chuyển, hợp lý.

Hãy tìm đọc thêm các bài viết thuộc chuyên mục Tiếng Việt tại website Toigingiuvedep.VN để không còn sai các lỗi chính tả cơ bản nữa nhé. Chúc bạn luôn học được thật nhiều kiến thức bổ ích cho công việc và cuộc sống của mình. Thân ái!